6 LỜI KHUYÊN GIÚP CON KHÔNG BỊ ỐM LÚC GIAO MÙA
Các bé có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ dàng bị nhiễm bệnh. Một số bệnh trong khoảng thời gian này bao gồm:
- Bệnh ngoài da: Phát ban, viêm da dị ứng, côn trùng đốt (kiến ba khoang)
- Bệnh hô hấp: hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi cấp, sốt, viêm phế quản (dễ dẫn đến viêm phổi).
- Bệnh về tiêu hoá: Tiêu chảy cấp, đau bụng (thường kèm theo sốt, nôn, chớ)
- Bệnh về xương khớp: đau xương và các khớp, đi kèm với sốt cao và viêm họng
Dưới đây là 6 điều bố mẹ cần biết để giúp bé ngăn ngừa bị nhiễm bệnh.
1. Tiêm vắc-xin đầy đủ: hàng rào phòng bệnh đầu tiên
- Hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt và chưa phát triển toàn diện, nên trẻ dễ mắc phải một số bệnh mà người lớn có thể vượt qua. Vacxin phát huy tác dụng qua việc tạo một lượng protein (kháng nguyên) của một số loại bệnh, vừa đủ để kích thích cơ thể sản sinh các kháng thể mà không gây nhiễm bệnh.
- Rất hiếm trường hợp bị dị ứng với vắc-xin. Tuy nhiên, một số trẻ có phản ứng nhẹ với vắc-xin, ví dụ như bị sốt nhẹ trong thời gian ngắn, sưng phồng hoặc tấy đỏ xung quanh chỗ tiêm. Bố mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sỹ trong trường hợp trên. Bên cạnh đó, nên duy trì cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì trong 2 năm đầu đời nhằm tăng cường hệ miễn dịch tốt nhất cho trẻ nhỏ.
2. Vấn đề vệ sinh: không bao giờ là thừa
- Giữ vệ sinh môi trường sống, cũng như vệ sinh cơ thể cho trẻ chưa bao giờ là thừa để chống chọi lại sự xâm nhập của vi trùng, vi khuẩn có hại. Bố mẹ cần:
+ Giặt giũ thường xuyên chăn, ga, gối, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh nấm mốc.
+ Dạy con cách đánh răng ngày 2 lần là buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi ngủ dậy. Vệ sinh bàn chải cho trẻ bằng cách: trước mỗi lần đánh răng, nên nhúng bàn chải của trẻ vào một cốc nước ấm, có pha muối nhạt. Sau khi trẻ đánh răng, cho trẻ súc miệng bằng nước muối ấm, pha nhạt.
+ Để trẻ nằm phòng thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm, không nằm quạt cả đêm hay điều hoà nhiệt độ quá thấp, dễ gây cảm lạnh.
+ Thường xuyên rửa tay diệt khuẩn cho trẻ.
+ Vệ sinh đồ chơi của trẻ định kỳ 1 tuần/lần bằng cách rửa và đun trong nước sôi, sấy khô.
3. Đừng “giam lỏng” trẻ trong nhà
- Có khá nhiều bố mẹ lo lắng môi trường sống không an toàn nên chọn cách “nhốt con trong lồng kính”. Thật ra đây hoàn toàn là quan điểm sai lầm, vì trẻ cần được tiếp xúc với một số vi khuẩn vô hại trong không khí, kích thích sự hoàn thiện hệ miễn dịch, đặc biệt là giúp cơ thể trẻ tạo nên quần thể khuẩn có lợi. Có như vậy, sau khi trưởng thành, trẻ mới có khả năng kháng lại những vi khuẩn, độc bệnh có hại và không dễ bị mẫn cảm.
- Căn cứ theo độ tuổi mà lựa chọn môn vận động phù hợp cho trẻ. Với trẻ nhỏ, bố mẹ lưu ý tránh đưa trẻ những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao, nhiều khói thuốc và không khí độc hại.
4. Tăng sức đề kháng và miễn dịch cho trẻ bằng dinh dưỡng hợp lý và bổ sung vitamin tổng hợp
- Nhiều trường hợp sức đề kháng của trẻ không tốt là do thiếu hụt vitamin và dưỡng chất, chẳng hạn như trẻ bị thiếu sắt, magie, canxi đều sẽ ảnh hưởng đến khả năng đề kháng trước vi khuẩn và bệnh tật của cơ thể.
Tăng cường các nhóm thực phẩm giàu đạm, ma-giê, sắt…như rau xanh, trứng, thịt bò, sữa tươi, sữa chua…cho trẻ. Ngoài ra, bổ sung dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn bằng cách cho trẻ bằng cách cho trẻ uống thêm vitamin tổng hợp, các loại thực phẩm chức năng theo chỉ dẫn của bác sỹ.
5. Phòng bệnh từ những thực phẩm quen thuộc hàng ngày
- Phải đảm bảo cho trẻ ăn chín uống sôi, luôn ăn nóng uống nóng (nước nóng, sữa nóng, cơm nóng, canh nóng);
- Tăng cường bổ sung cho trẻ những thực phẩm giàu năng lượng (thịt, cá, ngũ cốc, trứng, sữa), những thực phẩm ôn nhiệt (hành, hẹ, tỏi), những thực phẩm giàu vitamin tự nhiên (trái cây tươi, rau xanh);
- Thường xuyên cho trẻ ăn những món ăn có khả năng phòng bệnh hô hấp như trà gừng nóng, nước chanh mật ong nóng.
- Hạn chế cho trẻ sử dụng những thực phẩm có tính mát dễ gây rối loạn tiêu hóa (nghêu, sò, ốc), những thực phẩm để tủ lạnh (nước lạnh, sữa lạnh, sữa chua để lạnh) sẽ là nguyên nhân khiến trẻ viêm họng kéo dài.
- Tốt nhất hãy cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày để trẻ có thể ăn nhiều hơn, hấp thu dưỡng chất tốt hơn và khỏe mạnh hơn.
6. Thái độ tích cực, lạc quan là liều thuốc đặc biệt phòng bệnh cho cả nhà.
- Cuối cùng, chính tinh thần bình tĩnh lạc quan của bố mẹ, là liều thuốc đặc biệt trong quá trình phòng và trị bệnh cho trẻ. Bố mẹ luôn cần xác định “bệnh” là một trong những điều không mong muốn nhưng không thể tránh khỏi trong quá trình nuôi trẻ.
- Mỗi bố mẹ hãy tư trang bị thêm cho mình kiến thức, để bình tĩnh xử trí mỗi khi trẻ bị bệnh. Bởi có căng thẳng, lo lắng, cũng không làm trẻ nhanh khỏi hơn được. Nuôi con, chăm con khi bị bệnh chưa bao giờ là nhàn nhã, những thay vì căng thẳng, bố mẹ hãy bình tĩnh, động viên con, dành nhiều thời gian chăm sóc con hơn. Vì liều thuốc tinh thần luôn là liều thuốc vô hình và quý giá mà trẻ con luôn cần hơn bao giờ hết.
(Nguồn Sưu Tầm)