Banner

HAPPY SMILE SCHOOL

Nơi ươm mầm hạnh phúc.

THÔNG TIN TUYỂN SINH

CƠ SỞ VẬT CHẤT

Trường Mầm non Happy Smile

HAPPY SMILE SCHOOL

THÔNG TIN TUYỂN SINH

CƠ SỞ VẬT CHẤT

Happy Smile trong con- Phụ huynh Huong Truong

Ngày đăng tin: 03:33:41 - 19/12/2016 - Số lần xem: 2010

Kỷ Niệm!
Có những mảng ký ức mơ hồ như một cơn mộng mị giữa ban trưa!
Có những mảng ký ức dữ dội như những ngày hè oi ả, nắng cháy da người!
Có những mảng ký ức hiền hòa như nụ cười của mẹ thấy đứa con thơ nô đùa bên buổi chiều óng ả nắng vàng!
Có những mảng ký ức hoen rỉ như một cánh cửa sắt cáu bẳn dẫn xuống một căn hầm bí mật mà chẳng ai muốn hoặc đủ sức mở ra nữa!
Có những mảng ký ức như một món quà kỷ niệm bạn sẽ mang theo và trao lại cho con mình khi lớn khôn!

Phần 1 – ngày đầu tiên đi học 
 27/7/15
Hôm nay là ngày đầu tiên tớ đi mẫu giáo. Có lẽ mùa thu đã về thật, ban mai những cơn gió mát nhẹ nhàng luồn qua cửa sổ chạm những ngón tay mềm mại vào đôi má tớ. Tớ còn ngủ say sưa với đôi mắt nhắm nghiền, lâng lâng như còn đang mải miết lang bạt trong những giấc mơ. Tớ mơ được đi công viên có những vườn hoa rực rỡ sắc màu, được lên bà nội xem đường phố đầy xe cộ và chơi với các bạn xung quanh, được lên bà ngoại như ngày hôm qua để bà bế ra đình làng chơi với bao nhiêu là trẻ con. Hễ có xe máy phóng qua là tớ lại nhún nhẩy cười khanh khách đầy khoái trá làm bà cũng bật cười thích thú. Bỗng tiếng xả nước mạnh làm tớ giật mình tỉnh giấc khóc ré lên, mẹ phải vội bồng tớ lên và đền bù cho tớ bằng một bầu sữa căng tràn không quên quẳng vài lời cắm cảu cho bố vì cái tội làm tớ giật mình thức giấc. Mấy ngày mất nước vì cái công trình ngìn tỷ - ống nước sông đà - kém chất lượng đúng quy trình của mấy công ty nhà nước mà mấy chuyện tham nhũng, ăn lủng các dự án là chuyện hiển nhiên ở cái xứ “thà nghèo mà bình yên” này khiến gần mười vạn người phải khốn đốn vì không có nước dùng trong đó có nhà tớ. Vì thế mà khi có nước là bố phải mở ngay vòi để tích trữ khi còn có thể, cũng chính vì thế mà hôm qua cả nhà phải khăn gói quả mướp, mang đủ thứ quần áo lên trên ông bà ngoại giặt nhờ. Chủ đề của cả ngày hôm nay đã được bà và mẹ đem ra mặc cả với bố từ mấy ngày nay nhưng không ăn thua gì. Bố vẫn quyết tâm đưa tớ đi lớp, một quyết định được cho là tàn nhẫn với một đứa trẻ chưa tròn một tuổi như tớ, theo cách nghĩ của bà và mẹ hay có lẽ là phần đông xã hội cũng thế. Rốt cuộc thì ngày hôm nay cũng đến, bố đã chuẩn bị cho tớ một loạt quần áo, bỉm, khăn cho vào cái ba lô mầu xanh của tớ, mẹ đang hút nốt bình sữa để cho tớ đủ dùng làm hai bữa trong ngày, rồi mẹ đổi tất cả đồ sang một ba lô to hơn để cô giáo dễ lấy đồ ra. 7h20 cả nhà lên xe đi tới lớp, trong lòng mẹ hoang mang, tối qua mẹ còn hờn dỗi vừa ngồi sau xe vừa đấm vào lưng bố, muốn bố đổi ý, hôm nay mọi thứ đang dần thành hiện thực, bố đang hiện thực hóa nỗi sợ của mẹ. Vừa đến lớp, mọi cảm giác lo âu bồn chồn tạm lắng dịu, mẹ nhìn ngó xung quanh, lên lớp xem mọi đồ dùng, mẹ tìm những thứ để có thể làm mẹ yên tâm. Xuống tầng để tớ ở với cô một mình, mẹ xem tớ qua camera, nhìn cách cô giáo đưa các bé khác vào chỗ ngồi một cách giật cục, lòng mẹ nhói lên, mẹ lại lên trên lớp ngó vào thấy tớ đang khóc gắt trên tay cô giáo, mẹ chực òa khóc. Không muốn để mọi người thấy tâm trạng của mình, mẹ lao xuống tầng rồi chạy ào ra đường, nước mắt lã chã rơi trên đôi khóe mắt. Bố vội ra trấn an mẹ rồi đưa mẹ về, lòng buồn bã, chỉ còn lại tớ một mình trên lớp. Ngày đầu đi lớp tớ hầu như khóc nhiều, phần vì chưa quen, phần vì tớ không ăn uống như trên lớp mà ở đây có 5 bữa ăn cả ngày bao gồm cả uống, nên tớ cứ giẫy nảy lên khi cô cho ăn, tớ không ty thức, không ăn cháo khi không thích, uống nước ít, thích nghịch thìa và cốc, nên đa phần thời gian tớ khóc ngặt. Cô giáo cũng mệt vì tớ, phải bồng tớ suốt, chỉ có mỗi giờ chơi và giờ tập gym là tớ lăn xả đùa vui thoải mái. Cả ngày mẹ quan sát tớ qua camera, lòng bồn chồn và sót thương tớ, mẹ khóc nức nở, cứ một lúc phải ra ngoài để cố dấu nước mắt khỏi những ánh mắt tò mò và cảm thông của đồng nghiệp. Mẹ buồn lắm, điện cho bố bảo đón sớm và không muốn tớ đi lớp nữa. Bố trấn an mẹ, rồi đi tìm thêm vài trường khác vì phần lý do mẹ không thích trường này. Tối về bố và mẹ bắt đầu tranh luận về việc đi lớp của tớ, ai cũng đưa ra lý lẽ của mình, rồi cãi vã xẩy ra, bố to tiếng với mẹ, cả nhà dấy lên bầu không khí ngột ngạt và căng thẳng như một quả bom sắp nổ. Bà và cậu cùng em Tôm rút nhẹ vì không biết nên tham chiến bên nào và có thể còn vạ oan mấy mảy bom rơi đạn vãi của cuộc chiến này. Ngày đi học đầu tiên của tớ kết thúc trong sự phẫn nộ và hậm hực của bố, sót thương và buồn tủi của mẹ, bà cũng buồn bã vì từ nay bố không muốn nhờ bà qua chăm tớ nữa. 
Phần 2 – Minh Anh 
 31/8/2015
Cơn mưa tầm tã như là lời chào cuối của mùa hè năm nay. Cả tháng nay cái gay gắt, dữ dội, nóng bức và ngột ngạt của mùa hè làm mọi người choáng váng cũng đã hoàn thành nhiệm vụ và rời đi. Những cuộc cãi vã và xung đột trong nhà giữa bố mẹ về chuyện nuôi dạy mình cũng sôi sục y như mùa hè. Gần đây mặc dù sự căng thẳng vẫn neo bám đôi bên nhưng đã có dấu hiệu xì hơi khi mẹ đã bắt đầu đồng ý cho tớ đi lớp, bố cũng đồng ý xem xét việc chuyển nhà về gần ông bà ngoại để thuận tiện cho ông bà chăm sóc tớ và hỗ trợ bố mẹ khi cần thiết. Việc này xét cho cùng sẽ làm cho mẹ vui vẻ hơn, tớ đi lớp cũng không lo bố mẹ về muộn mà bỏ tớ vật vờ ở lớp chờ đợi. Mong muốn độc lập trong cuộc sống của bố cũng tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu cả nhà được vui vẻ và mọi người vẫn hiểu trách nhiệm của mình với gia đình, sự độc đoán của bố cũng dần phải giảm bớt để cuộc sống gia đình được hài hòa hơn. Việc bố vẫn âm thầm cho tớ đi học, đương nhiên là một trường khác, đã bị mẹ phát hiện trong sự dự liệu của bố. Lần này bố tiết lộ thông tin dần dần và từng phần để mẹ không bị sốc, dù vẫn khó chịu ra mặt khi những lần tớ mệt, căng thẳng mẹ đòi để bà lên trông mà không được nhưng mẹ cũng đã chấp nhận và hẹn ngày đi thăm trường mới (nơi mà bố đã dấu mẹ cho tớ đi cả tháng nay rồi). Tớ cũng chả rõ tại sao mà một việc đơn giản như thế mà bố mẹ cãi nhau đến sứt đầu mẻ trán! Nhà này ai cũng cứng đầu không chịu nhường ai nên mới đến nỗi căng thẳng như thế này. 
26/10/2015
Thế là ngót ngét 2 tháng trời bị xổ mũi viêm họng, khám lên khám xuống bốn năm chỗ, thuốc cũng đủ loại tớ vẫn không khỏi. Mấy ngày qua tớ nằm bẹp như con gián, nhất là về đêm mẹ bảo tớ như con cá sắp chết với đôi mắt lờ đờ mở to, miệng há hốc trắng trợt như con cá mè ươn, gương mặt tớ hốc hác vì không ăn uống gì, da dán vào xương sọ mỏng như tờ giấy vermia. Đêm qua bố mẹ quyết định cho vào viện khám thì kết quả là tớ bị viêm phế quản, phế quản giãn do ho lâu ngày. Không biết đơn thuốc mới có ăn thua gì không, cả mấy đơn thuốc nam được một bác tốt bụng cho nữa, tớ mệt quá. Cả ngày chỉ mút vài thìa cháo hoặc cơm, nước cũng uống ít khiến nước tiểu màu đỏ quạch như máu, một dấu hiệu quá tải của thận, mà tớ còn không cả ty mẹ vì mỗi lần ti tớ cứ ho hắng và gợn rát cổ họng không muốn nuốt. Cả nhà đều ngao ngán khi cả bà nội lẫn bà ngoại cũng không dỗ dành được mấy thìa cháo, tớ thì xọp đi và ủ rũ, bố mẹ cũng lại một phen cãi nhau vì mẹ cho rằng hậu quả này do cách thức nuôi dạy của bố gây ra! Cả nhà phủ một mầu u ám, tớ lờ đờ như con cá thiếu ôxi. May mà có cô Minh Anh, cô như mẹ tớ, cô chăm tớ lắm. Trên lớp tớ cũng mệt lả, mà cô lúc nào cũng bế tớ trong lòng, cảm giác thật ấm áp và dễ chịu, hễ đứa nào mon mem là tớ tỏ ra khó chịu ngay để cô chỉ chăm tớ thôi. Cô vừa bế tớ vừa chăm các bạn khác và làm nhiều việc khác trong lớp, cũng vất vả cho cô, nhưng biết làm thế nào, tớ mệt mà, còn bé nhất lớp nữa, tớ đành phải nũng nịu để giữ cái phao cứu sinh cuối cùng trong những ngày bạc nhược này. Người tớ bã ra như một cái thây sống, thiếu nước cũng như dinh dưỡng, không muốn ai động vào người. Tai tớ nóng như lửa và ngứa ngáy, nó phồng rộp ở bên trong, cục mủ tưởng chừng xẹp xuống vài hôm trước nay lại to phồng lên vì tớ ngừng kháng sinh vài hôm do tiêu chảy. Cái họng cũng nóng rát đầy gai nhọn như cái người trong quảng cáo strepsils nên chả muốn ăn uống gì, mẹ cho ty cũng chả thèm, vì khó nuốt lắm, chả mấy ai hiểu cứ nghĩ tớ khó tính trong ăn uống. Còn ho nữa chứ, hôm kia vừa ăn mấy thìa cháo bà xúc cho thì nôn thốc tháo ra hết, nguyên do là vì thèm mấy thìa nước làm chất bôi trơn mà lại được kích thích bằng mấy giọt nước nhỏ mũi rơi lõng bõng xuống cái vòm họng nóng rát đó khiến cơ họng nó phấn khích mà tống ra bằng hết những thứ gì vừa đưa vào. Thứ 7, chủ nhật là ngày tớ ăn rất ít, mặc dù bà nội cũng cố gắng dụ tớ ăn và uống nước, nhưng kết quả cũng chỉ được chút xíu, nước ít quá nên tớ còn tiểu ra màu đỏ sậm như máu khiến bố mẹ phải đi xét nghiệm nước tiểu và vào viện ngay, mặc dù chưa đến mức phải truyền nước nhưng mọi diễn biến khiến bố mẹ phát sốt. Còn tớ thì đã quá mệt để quấy khóc, tớ chỉ muốn thiếp đi, chìm vào những cơn mộng mị khiến tớ quên đi tất cả. Lý do khiến mẹ còn muốn cho tớ đi lớp lớn nhất chính là việc cô Minh Anh còn cho tớ uống thuốc và ăn được, việc mà ở nhà thật vất vả cho bà ngoại hay bất cứ ai mặc dù sự nỗ lực và cố gắng là rất lớn nhưng kết quả cũng không chẳng bao nhiêu. Đôi khi tớ chỉ ăn vài thìa cháo trong ngày, thế nên mẹ mới bảo có khi tớ còn quý cô Minh Anh còn hơn cả mẹ, quấn cô hơn mẹ. Mẹ bế còn không thích, mà cứ bám cô suốt cả ngày khiến cô Hiền, cô Loan còn phải tính cửa tách tớ ra vì sợ tớ hư mất, bám cô như cái đuôi. Mấy ngày này tớ mệt mới thế chứ không thì tớ cũng chơi bình thường mà, có gì đâu, các cô cứ lo lắng quá! Bố cũng đồng tình như vậy và mong cô cứ bế tớ đừng để tớ khóc, chứ khóc là nước mũi chảy xuống họng thì không bao giờ khỏi được cái họng và viêm tai giữa. 
Tớ lại đi lớp, và có lẽ thời gian tới đi cả thứ bẩy mặc dù chi phí cho mỗi buổi cũng kha khá, nhưng biết làm thế nào, bố mẹ đành chịu trong khoản cho tớ ăn uống, thuốc thang, chỉ còn biết trông cậy vào cô Minh Anh, cô luôn nhẹ nhàng với tớ, nên tớ thường tự nguyện ăn uống hơn, ở nhà mọi người nhất là bố hay cậy lớn mà ghè tớ uống thuốc, vệ sinh cá nhân, làm tớ phát điên lên và chống đối dữ dội. Mấy hôm đi hút mũi khiến tớ trở lên hoảng loạn, một căn phòng bé tý khoảng 15m2, có lẽ chỉ bằng cái chuồng gà nhà bác tớ ở quê mà có đến mấy chục người chen chúc nhau. Tiếng trẻ em gầm rú điên dại như một trại giết heo, bệnh nhân là trẻ em, nhưng người lớn phải bế để bác sĩ khám. Bố mẹ ông bà thì siết chặt chân và ôm chặt tay đối tượng được khám như đang bắt giữ một kẻ thù hằn còn một hộ lý gông cái đầu lại giống như gông một con bò để chuẩn bị cắt tiết, làm cho đứa bé không thể xoay sở được gì chỉ biết thét lên với hết sức bình sinh có thể trong vỡ òa nức nở và sợ hãi tột độ. Bác sĩ banh miệng đứa trẻ ra bằng một cái que gỗ to gấp đôi que kem, vạch lỗ mũi rồi tống một cái ống thép cứng đanh và dài vào để soi, cả tai cũng thế bằng cái cách thô lỗ thẳng thắn đúng chất của cái kẻ mà ngày nào cũng làm cái chuyện đó, việc mà ai cũng thấy hiển nhiên như mổ bò vậy. Cái ống nghe lạnh toát được áp vào lưng, vào ngực khiến tớ giật bắn lên, mọi người ai cũng gồng mình để xiết tớ lại như đang vật lộn với một con lợn rừng, bố xiết chặt chân tớ, hai tay tớ vung loạn xạ khiến cô hộ lý phải nhanh tay tóm lấy hai tay tớ nhét lại vào khủy tay bố đang ghì chặt ngực tớ, tớ quằn quại, người cong tớn lên giãy giụa, mồm gào thét thảm thiết khiến nước mắt, nước mũi được thể tràn ra nhòe nhoẹt, cả một buổi khám là một cơn ác mộng với tớ. Bố gần như bất lực trong việc khống chế tớ hít khí rung với dung dịch kháng sinh, vì tớ giãy giụa quá mạnh, tớ không chịu được sự ép buộc bạo lực của phòng khám này, tớ chỉ biết quằn quại, giãy hết sức bình sinh để thoát khỏi nghịch cảnh thảm thương này. Sau lần đó, bố không muốn tớ đi khám nữa, bà nội đi một lần cũng lo lắng không yên vì sợ tớ bị sang trấn tâm lý. Nhưng không đi khám khiến tai tơ sưng to hơn, may mà lần này bố đã xin bác sĩ cho về tự xông khí rung ở nhà, với điện thoại và ti vi tớ đã vui vẻ xông mũi với chỉ một chút khó chịu dễ chiều. Đúng là sự ngang ngạnh của tớ cũng có ích, trừ việc do tớ ngang ngạnh quá nên không chịu chiu ra khỏi bụng mẹ mà dãy giụa dẫm đạp trong đó khiến cơ bụng mẹ bị bục ra mà phải đi viện khâu lại mấy tuần qua, việc này mẹ cũng ghi sổ tớ rồi. Đợt ốm này lâu quá, mà bác sĩ dự báo còn chưa thể kết thúc ngay, lộ trình điều trị có thể kéo dài hai tháng đến khi khỏi hẳn mà luôn có nguy cơ tái phát khi bị viêm mũi họng lần kế sau. Mẹ cho rằng đây là kết quả của sự ngang ngạnh, độc đoán trong việc nuôi con của bố gây ra như là không kiêng nắng gió, cho đi học sớm, cho ăn theo chủ trương tự ăn mà không cố nhồi… dù sao mấy chuyện người lớn tớ cũng chẳng buồn nghe. Niềm vui bây giờ là đến lớp chơi với cô Minh Anh, được cô yêu chiều khiến tớ dễ chịu và bình yên. Hi vọng mai tớ sẽ khỏe trở lại để còn được bố cho đi xe ba bánh trên trường như mọi ngày, chiếc xe màu hồng dễ thương!
Phần 3 – Những ngày vui
28/10/2016
Giờ đây, mặc dù bà tớ đã mở một trường mầm non rất to và đẹp, hiện đại, nhưng tớ vẫn học ở đây – Happy Smile – nơi mà tớ chắc chắn sẽ có ngày rời xa!
Giờ đây có lẽ tớ vẫn là đứa bé nhất lớp, nghịch nữa, nói nhiều, rắn rỏi và nhanh như một con rái cá. 
Giờ đây mẹ nói có lẽ cũng vì bố cho đi học sớm nên mới thế, tớ không còn mũi dãi như trước, trong khi mấy đứa bột ở gần nhà trông yếu như sên và thốt không lên lời thì mấy bà hàng xóm cũng thoảng chút ngỡ ngàng khi thấy tớ bô bô liên mồm và chạy nhanh thoăn thoắt, leo lên leo xuống cầu thang như con sóc con.
Giờ đây mỗi chiều bố đều cùng tớ chơi miết mải dưới sân trường cho tới khi trời tối mịt, tớ chỉ chịu về khi bất chợt có cô nào mặc áo phông đỏ đi qua và nhắc tớ đã đến giờ về nhà!
Giờ đây những mảnh ký ức dữ dội và gay gắt đã lắng lại trong lòng mẹ như những lớp phù sa nằm lại trong lòng sông hiền hòa. 
Giờ đây lại là lúc bố đang lo lắng cho tương lai của tớ trong sự hỗn độn và bất an của xứ sở “nghèo mà bình yên” này, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Giờ đây tớ đang và đã trở thành kỷ niệm ở nơi đây, và nơi đây kỷ niệm của tuổi thơ – tuổi mà tớ chưa nhớ được – chắc chắn sẽ theo tớ suốt cuộc đời!
Thư ký của Moon
Bố bế
- Trích lược nhật ký của Moon 
- Gửi tặng những ai có tên và không có tên trên đây!
PS: bài viết chỉ như một bài tập làm văn, không có ý mô tả sự thật!

#happysmiletrongcon

Ngô Hồng Hạnh